Nếu bạn là một nhà đầu tư hay đơn giản chỉ là một người có sự quan tâm tới công nghệ, nhất là công nghệ blockchain thì có lẽ bạn nên biết về định đề khá nổi tiếng này – cái chỉ cho chúng ta thấy những tầng nào trong hệ sinh thái công nghệ nói chung (Protocol – Giao Thức hay Application – Ứng Dụng) sẽ tạo nên nhiều giá trị nhất cho chính hệ sinh thái tổng thể, cho nhà đầu tư cũng như cho cuộc sống thực tiễn của con người.
Giao Thức là gì? – Nói đơn giản, khái niệm Giao Thức là một bộ các quy tắc / các tiêu chuẩn mà những thiết bị, phần mềm hay bất cứ một tác nhân nào muốn kết nối, giao tiếp hoặc tương thích với chúng đều phải tuân thủ.
Trước tiên chúng ta cần nắm được sự khác nhau cơ bản giữa token giao thức/nền tảng với token ứng dụng. Giả sử chúng ta có một blockchain có tên là Việt Nam với giao thức quy định “các giao dịch chỉ được phép thực hiện bằng việc trao đổi tiền tệ”. Để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện giao thức này, Việt Nam đã phát hành đồng token gốc (native token) được gọi là VND. Bên trong Việt Nam có một khu phố ăn uống được thành lập, tuy nhiên để có thể mua được các món ăn bày bán trong khu phố ăn uống này người dùng phải đổi đồng VND ra đồng token của khu ăn uống tại một quầy đổi tiền, giả sử đồng token của khu phố ăn uống có tên là VNF. Nên nhớ rằng những đồng token VNF này chỉ có giá trị sử dụng trong phạm vi của khu phố ăn uống đó và không có bất cứ giá trị gì khi sử dụng bên ngoài phạm vi này. Khu phố ăn uống chính là ứng dụng được xây dựng bên trên một giao thức nền tảng là Việt Nam với đồng token giao thức là VND, còn đồng token VNF được gọi là token ứng dụng.
Trong kỷ nguyên của mạng Internet, trước khi có công nghệ blockchain xuất hiện, việc chiếm ưu thế của các ứng dụng tập trung (Apps) so với các giao thức trong vấn đề tạo ra giá trị chủ yếu cho nhà đầu tư lẫn người dùng gần như là áp đảo. Chúng ta có thể thấy được sự độc bá điển hình của các ông lớn như Google với ứng dụng công cụ tìm kiếm, Facebook với ứng dụng mạng xã hội, Amazon với ứng dụng sàn thương mại điện tử .v.v. và vô số những ứng dụng cực kỳ nổi tiếng khác mang đến những giá trị thực tiễn lẫn giá trị vốn hóa rất cao trên thị trường. Trong khi đó, không gian phát triển của các giao thức lại khiêm tốn hơn với số lượng ít ỏi các giao thức mạng quen thuộc mà chúng ta vẫn thường sử dụng như giao thức TCP/IP (giao thức truyền tin liên mạng – mạng Internet), HTTP (để duyệt web), SMTP (giao thức chuyển e-mail), FTP (giao thức truyền file), SNMP (giao thức quản lý mạng), các giao thức ngôn ngữ lập trình C++, Javascript hay các nền tảng phổ biến như Window, macOS, Android, iOS .v.v. tầng giao thức trong kỷ nguyên này của Internet đã không đem tới sự bùng nổ về giá trị lớn như khi đem so với những gì mà các ứng dụng hoạt động trên đó mang lại (hầu hết chúng được sử dụng miễn phí và rất ít giao thức/nền tảng thu được phí khi sử dụng), mặc dù chúng ta không thể phủ định vai trò cực kỳ thiết yếu của chúng. Đây chính xác là biểu hiện của khái niệm Thin Protocol Fat Application (tạm dịch: Lớp Giao Thức thì mỏng, lớp Ứng Dụng thì dày) khi nói đến vấn đề khu vực nào tạo ra giá trị nhiều hơn trong một hệ sinh thái công nghệ tổng quan.
Dựa vào định nghĩa về giao thức như bên trên, một nền tảng blockchain có thể được xem là một loại giao thức với các quy tắc vận hành riêng biệt của mình. Thực tế hiện nay trong lĩnh vực blockchain, các giao thức được xem là có giá trị lớn hơn rất nhiều so với các ứng dụng phi tập trung tương ứng được xây dựng trên chúng. Bởi vì không gian phát triển của các ứng dụng phi tập trung trong lĩnh vực này còn quá non trẻ và kém tính hữu ích. Trong khi đó, người ta đang tập trung cao độ vào việc tìm ra các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng của các giao thức/nền tảng blockchain nói chung để đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn từ người dùng như tốc độ giao dịch, tính phi tập trung hoàn toàn và vấn đề bảo mật tuyệt đối .v.v.
Joel Monegro – một nhà phân tích đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực tiền mã hóa, ông đã khởi xướng một ý kiến gây tiếng vang rất lớn trong toàn ngành, khi cho rằng lĩnh vực blockchain cho phép chúng ta đảo ngược góc nhìn về định đề Thin Protocol Fat Application thành Fat Protocol Thin Application (tạm dịch: Lớp Protocol thì dày, lớp ứng dụng thì mỏng) bởi vì một nguyên do quan trọng là ở giai đoạn trước khi blockchain xuất hiện những nhà lập trình chỉ có thể kiếm được tiền từ giao thức mà họ phát triển bằng cách tạo ra các phần mềm ứng dụng chạy trên giao thức đó (gần như rất khó để kiếm được tiền trực tiếp bằng việc thu phí sử dụng cho các giao thức mà họ tạo ra) và sau đó tìm cách bán chúng đến người dùng, nhưng với việc triển khai được token nhờ vào công nghệ blockchain mà các nhà lập trình giao thức đã có thể trực tiếp kiếm tiền từ các giao thức bằng hình thức thu phí giao dịch người dùng thông qua việc sử dụng token để kích hoạt các giao dịch trên giao thức/nền tảng đó. Việc này sẽ kích thích các nhà lập trình có động lực để sáng tạo ra nhiều giao thức hiệu quả hơn, mang lại nhiều giá trị hơn cho hệ sinh thái. Thêm nữa, sự xuất hiện của token đã trở thành phần thưởng khuyến khích cộng đồng người dùng tham gia vào hệ thống với những đóng góp chất lượng hay có những hành động tích cực nhằm mục đích bảo vệ và phát triển giao thức/nền tảng ngày một trở nên tối ưu hơn, điều mà ở giai đoạn trước khi có sự xuất hiện của blockchain các nền tảng hay giao thức truyền thống chưa bao giờ có được. Đây chính xác là cách mà giá trị của tầng giao thức/nền tảng ở giai đoạn đầu của kỷ nguyên blockchain đang ngày càng dày (fat) hơn so với tầng ứng dụng, giá trị vốn hóa thị trường của các dự án xây dựng một nền tảng/giao thức hầu như phát triển nhanh hơn rất nhiều so với tổng giá trị của các ứng dụng được khởi tạo trên chúng nhưng không có nghĩa rằng điều này đơn giản kéo dài mãi mãi mà sẽ có những thay đổi qua từng giai đoạn phát triển chung.
Về hình thức, các giao thức trong lĩnh vực blockchain nó hoạt động giống như cách mà cửa hàng ứng dụng (app store) của Apple vận hành. Những ứng dụng được xây dựng trên nền tảng iOS của Apple phải trả phí để được đưa lên cửa hàng ứng dụng của Apple (trong khi việc sử dụng nền tảng iOS để phát triển các ứng dụng là miễn phí) nhằm tiếp cận với số lượng đông đảo người dùng sử dụng điện thoại Iphone => một cách thu phí gián tiếp nhờ vào phần cứng (các thiết bị của Apple) có số lượng lớn khách hàng. Tương tự như vậy, nhưng đối với kỷ nguyên của blockchain, những ứng dụng phi tập trung (DApps) cũng được xây dựng ở lớp trên cùng và phải trả phí trực tiếp cho lớp giao thức nền tảng mà chúng xây dựng trên đó. Một giao thức nền tảng càng có nhiều ứng dụng hữu ích được xây dựng trên nó thì nó càng trở nên có giá trị theo thời gian.
Có thể góc nhìn Fat Protocol Thin Application trong lĩnh vực blockchain cũng xuất phát từ việc cho rằng các ứng dụng phi tập trung (Dapps) tự thân nó không thể chiếm lấy được sự độc quyền sở hữu các dữ liệu như những gì mà thế hệ ứng dụng tập trung (Apps) trước đây đã làm và vươn lên trở thành các thế lực cản trở khổng lồ đối với những “anh lính mới” muốn gia nhập cuộc chơi mà ở đó yếu tố sở hữu dữ liệu quyết định đến tỷ lệ thành công rất lớn của một ứng dụng. Gần như các công ty làm được điều này như Google, Facebook hay Amazon đã trở nên bất khả xâm phạm với việc duy trì lợi thế cạnh tranh bền vững của mình trước những đối thủ tiềm tàng. Nguyên do của việc người ta có quan điểm như vậy là vì lớp dữ liệu được chia sẽ (the shared data layer) – bản chất là tập hợp các giao dịch (transactions) được ghi nhận trên blockchain (mà các dữ liệu này là hoàn toàn minh bạch và phân tán) – đã gần như xóa bỏ các rào cản để cho phép một ứng dụng hoàn toàn mới toanh có khả năng truy cập vào bất cứ dữ liệu nào trong hệ thống blockchain mà nó tham gia vào.
Nhưng vấn đề đối với logic ở trên là người ta cho rằng tất cả các dữ liệu được tạo ra bởi các DApps đều được di chuyển qua và được lưu trữ ở một lớp dữ liệu được chia sẽ chung phổ quát. Thực tế thì đây không phải là cách mà nó hoạt động, mặc dù về lý thuyết hầu hết bất cứ loại dữ liệu nào cũng đều có thể lưu trữ trên blockchain nhưng không có nghĩa rằng tất cả các loại dữ liệu đều NÊN được lữu trữ lại trên đó. Chỉ một số loại dữ liệu đặc biệt có ý nghĩa trên blockchain mới nhất thiết được lưu giữ bởi vì bản chất của nó cần phải có để duy trì tính toàn vẹn, ngăn cản một bên gian lận và có những hành vi bất công đối với một bên khác. Ví dụ như các loại dữ liệu:
- Số dư của một địa chỉ ví – để ngăn cản hiện tượng lặp chi (double spending) => tìm hiểu về hiện tượng double-spending ở chương III của sách Blockchain Trong Kỷ Nguyên Phi Tập Trung (đặt mua tại website – https://sachblockchain.com)
- Hồ sơ bỏ phiếu bầu – hệ thống bỏ phiếu bảo mật để ngăn cản sự thao túng
- Đăng ký danh tính – ngăn chặn gian lận quyền sở hữu
- Theo dõi xuất xứ – để ngăn chặn hàng giả
Những loại dữ liệu như trên chúng thực sự cần một bằng chứng chống giả mạo (tamper proof) và chúng đáng để phải tiêu tốn một chi phí cho việc lưu trữ những thông tin như thế này trên một blockchain, bởi vì dữ liệu một khi được đưa vào blockchain thì chúng sẽ có tính bất biến (immutable), vĩnh cửu (permanence) và chúng sẽ trở nên hữu ích bởi tính minh bạch, đáng tin cậy của mình. Vì vậy không phải tất cả các loại dữ liệu sẽ được xử lý theo cùng một cách thức, sẽ có những dữ liệu hiệu quả và có giá trị trên một blockchain cũng có những dữ liệu không.
Những loại dữ liệu khác kiểu như các bài viết, các ghi chú .v.v. thì không có ý nghĩa gì đối với sự vận hành của hệ thống mạng blockchain để cần phải lưu trữ trên đó. Chi phí để lưu trữ các loại dữ liệu này hầu như đều vượt quá về mặt lợi ích đạt được đối với người dùng. Đặc biệt, các loại dữ liệu này là kiểu dữ liệu cần phải chỉnh sửa, cập nhật liên tục, chúng không nhất thiết phải có sự tin cậy về tính minh bạch và cũng có khi cần phải xóa bỏ. Tuy nhiên, cũng có một vài hệ thống blockchain có tính chuyên biệt cao được xây dựng chỉ phục vụ cho một số trường hợp sử dụng cụ thể. Ví dụ như nếu chúng ta xây dựng một mạng xã hội Medium trên nền tảng của blockchain Ethereum thì điều này sẽ không hiệu quả vì phải tốn quá nhiều chi phí (phí gas) để vận hành một ứng dụng có nhiều nội dung dữ liệu như vậy, nhưng Steemit họ đã xây dựng một blockchain chỉ chuyên phục vụ cho một mạng xã hội để người dùng có thể viết blog và chia sẽ các nội dung trên đó. Ngoài những kiểu blockchain được xây dựng phục vụ cho một mục đích riêng biệt nào đó như Steemit thì đối với các nền tảng blockchain mở khác, mỗi khi có một dữ liệu nào đó được ghi vào blockchain thì hệ thống đều yêu cầu một chi phí nhất định cho việc đó, phí này còn gọi là phí khai thác mạng blockchain (mining fee). Ví dụ để ghi 1 kb dữ liệu trên blockchain Ethereum tốn xấp xỉ 0.0074 ETH, một e-mail trung bình có khoảng 75 kb dữ liệu và bạn sẽ mất ít nhất 0.555 ETH (một mức giá không tưởng và phi lý) cho một e-mail trong khi với phương thức thông thường việc gửi đi một e-mail là hoàn toàn miễn phí. Những chi phí này khiến các nhà phát triển ứng dụng không thể sử dụng việc lưu trữ tất cả các dữ liệu của họ trên blockchain ngoại trừ các dữ liệu nhất thiết còn lại họ thường sử dụng một dịch vụ lưu trữ truyền thống như MongoDB, AWS (Amazon Web Services) hoặc các dịch vụ lưu trữ đám mây khác.
Trong thực tế các ứng dụng phi tập trung (DApps) sẽ sử dụng thêm kho lưu trữ dữ liệu khác song song với blockchain. Tùy thuộc vào loại dữ liệu là gì mà các nhà phát triển DApps lựa chọn cách thức lưu trữ dữ liệu cho phù hợp. Ví dụ, đối với các loại dữ liệu phi văn bản như hình ảnh, video, file thu âm .v.v. những loại file này sẽ được lưu trữ trong những hệ thống lưu trữ chuyên dụng như Amazon S3 (một hệ thống lưu trữ có tính tập trung hóa) hoặc IPFS (Hệ thống tệp liên hành – một hệ thống lưu trữ có tính phi tập trung – đọc thêm về cách thức hoạt động chi tiết của IPFS trong chương II của sách Blockchain Trong Kỷ Nguyên Phi Tập Trung). Về mặt kỹ thuật, các loại dữ liệu phi văn bản vẫn có thể được chuyển đổi thành dữ liệu BLOB (Binary Large Object – đối tượng dữ liệu lớn được biểu diễn dưới dạng nhị phân) hay còn gọi là dữ liệu nhị phân (binary data) và được lưu trữ trên blockchain, nhưng việc này là vô cùng tốn kém chi phí để thực hiện. Một dữ liệu BLOB có kích thước nhỏ hơn 256 kb thì phù hợp để lưu trữ trong một máy chủ cơ sở dữ liệu (database server), trong khi đó một hệ thống lưu trữ file (file storage system) lại là lựa chọn tốt nhất để lưu trữ các dữ liệu có kích thước lớn hơn 1 MB (1024 kb). Điều này cho thấy rằng một dữ liệu có kích thước khoản 256 kb là không thích hợp để lưu trữ nó trên một blockchain vì vậy mà mọi dữ liệu có kích thước gần với 256 kb thì tốt nhất nên được lưu trữ trong một hệ thống lưu trữ file. Khi một DApp sử dụng một kho lưu trữ dữ liệu ngoài blockchain thì hệ sinh thái blockchain sẽ biến đổi như sau
*Đọc về cách thức hoạt động của các giải pháp giúp thực hiện khả năng tương kết (interoperability) giữa các nền tảng blockchain khác nhau ở chương VIII của sách Blockchain Trong Kỷ Nguyên Phi Tập Trung.
Cho đến hiện nay, việc mở rộng nhằm tăng tốc độ giao dịch của một blockchain vẫn là một vấn đề chưa được giải quyết triệt để, chừng nào việc đưa dữ liệu vào một blockchain trở nên kinh tế hơn thì cho đến lúc ấy các DApps vẫn sẽ tiếp tục sử dụng phương pháp lưu trữ dữ liệu hỗn hợp giữa các cách thức lưu trữ khác nhau như đã cách họ đang làm. Lớp dữ liệu được chia sẽ trong thực tế đã không hoàn toàn “mở” như những gì chúng ta nghĩ, dữ liệu lưu trữ trên blockchain sẽ bị phân mảnh nhiều hơn so với lớp dữ liệu được chia sẽ chung phổ quát, điều này là do các DApps có quyền kiểm soát trải nghiệm người dùng và do đó có thể chỉ định dữ liệu nào được lưu trữ trên blockchain và những dữ liệu nào được lưu trữ ở nơi khác.
Vậy làm cách nào mà lớp giao thức khái quát có thể chuyển giá trị từ nó sang lớp ứng dụng?
Để hiểu được điều này trước tiên chúng ta phải hiểu rằng Ethereum, Waves, Tomochain, KardiaChain hay các giao thức đang nổi khác trên thị trường họ sẽ không làm gì khác ngoài việc tập trung phát triển và cung cấp một nền tảng công nghệ cho phép các nhà lập trình xây dựng các ứng dụng phi tập trung trên đó. Và sự thành công của một nền tảng công nghệ hay giao thức phụ thuộc rất lớn vào số lượng nhà lập trình mà họ thu hút được vào nền tảng/giao thức của mình.
Tại sao WordPress lại trở thành một nền tảng để xây dựng web phổ biến nhất thế giới hiện nay? – Vì nó có tính khái quát hóa cao. Khái quát có nghĩa là người dùng sẽ không phải xây dựng trang web của mình bằng cách trực tiếp sử dụng một ngôn ngữ lập trình để tạo ra các dòng code, họ xây dựng website của mình trên một nền tảng khái quát cung cấp cho họ những SDK (bộ công cụ phát triển phần mềm), những cấu phần được đóng gói sẵn (module) hay còn gọi là các plugin (các chương trình được xây dựng sẵn chỉ cần “cắm tích hợp” vào và chạy). WordPress hiện là nền tảng công nghệ của khoảng 30% trang web trên toàn cầu bởi vì tính khái quát hóa cao cho các nhiệm vụ phức tạp, chi tiết của việc xây dựng một trang web thành những thao tác đơn giản hơn rất nhiều. Và tính khái quát hóa của WordPress lại càng được nâng cao hơn nữa khi ngày càng có nhiều nhà lập trình lựa chọn nền tảng của mình để xây dựng trang web của họ, qua đó những nhà lập trình này lại đóng góp ngược trở lại cho nền tảng công nghệ của WordPress nhiều hơn thông qua các plugin và các chủ điểm (themes) có sẵn trong hệ sinh thái WordPress. Đây chính xác là mô hình hoạt động của một hệ sinh thái công nghệ đang phát triển mở rộng nhờ vào tính khái quát hóa được nâng cấp qua nhiều vòng lặp. Điều đó cho thấy rằng khi một hệ sinh thái công nghệ phát triển tính khái quát hóa của chúng càng được nâng cao hơn, việc này khiến các chức năng đã được xây dựng bởi các nhà lập trình đi trước sẽ trở nên dễ dàng kế thừa, phát triển và sử dụng bởi các nhà lập trình phía sau.
Tương tự như vậy, đây chính xác là cách để một giao thức/nền tảng blockchain phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự nâng cao tính khái quát hóa của mình lên theo thời gian. Mục đích của tính khái quát hóa không gì khác ngoài việc giúp cho các nhà lập trình dễ dàng thích ứng và sử dụng một giao thức/nền tảng để phát triển ứng dụng của họ. Ví dụ, Kyber Network (KNC) là dự án xây dựng một giao thức trao đổi phân quyền dành cho các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) được thành lập trên nền tảng công nghệ của blockchain Ethereum, nếu sau đó có một người khác muốn xây dựng một sàn giao dịch phi tập trung (DEX) thì họ có thể sử dụng những gì mà Kyber Network (KNC) đã tạo ra để phát triển lên thay vì phải thực hiện lại mọi thao tác từ ban đầu. => đọc chi tiết về cách thức hoạt động của một DEX và Kyber Network ở chương VIII sách Blockchain Trong Kỷ Nguyên Phi Tập Trung. Một khi tính khái quát hóa này của các giao thức/nền tảng trở nên tinh vi hơn thì tầng Giao Thức sẽ trở nên mỏng hơn và tầng Ứng Dụng sẽ trở nên dày hơn (Thin Protocol Fat Application), đây chính là quá trình tiến hóa để các giao thức ngày càng thu hẹp đến mức tinh gọn và tối tân hơn, mở đường cho sự bùng nổ mạnh mẽ của các ứng dụng phi tập trung được phát triển.
Chúng ta có thể thấy việc sử dụng WordPress dễ dàng hơn rất nhiều so với việc học lập trình web, vì vậy rõ ràng mọi người sẽ sử dụng WordPress hơn là tự ngồi gõ các dòng code để xây dựng một website. Ngoài sự khái quát hóa cho một nền tảng công nghệ nhất định (khái quát hóa theo chiều dọc) thì còn có sự khái quát hóa giữa các nền tảng/giao thức ngang hàng khác nhau (khái quát hóa theo chiều ngang) nhờ vào khả năng giao tiếp tương kết (interoperability) cho phép các giao dịch chéo chuỗi (cross-chain) được xảy ra, ví dụ như blockchain của Ethereum có thể giao tiếp được với blockchain của NEO nhờ vào chức năng giao tiếp tương kết do KardiaChain cung cấp. Khả năng khái quát hóa theo hàng ngang này cho chúng ta một tầm nhìn về một kỷ nguyên mà các ứng dụng phi tập trung không còn bị giới hạn ở chỉ một nền tảng/giao thức blockchain. Các blockchain có khả năng tương kết sẽ là kẻ thay đổi cuộc chơi bởi vì về cơ bản chúng có thể trở làm cho các giao thức nền tảng trở nên thông dụng hơn. => đọc chi tiết về kỹ thuật tương kết (interoperability) ở chương VIII của sách Blockchain Trong Kỷ Nguyên Phi Tập Trung. Cũng giống như chúng ta không quan tâm tới các mã nguồn tạo nên ứng dụng Facebook hay bất cứ ứng dụng nào khác mà chúng ta sử dụng, người dùng DApps cũng sẽ không quan tâm đến giao thức nền tảng mà các DApps được xây dựng trên đó. Người dùng thực sự chỉ quan tâm tới trải nghiệm của bản thân họ, đồng nghĩa rằng các DApps trong tương lai có ứng dụng hữu ích nhất, có thiết kế trải nghiệm người dùng thân thiện nhất và phí giao dịch thấp nhất (thậm chí là miễn phí) sẽ chiếm được cảm tình và thu hút một số lượng đông đảo người dùng sử dụng.
Bây giờ chúng ta sẽ bàn về cách hoạt động cơ bản để đem lại giá trị của một mô hình. Những gì chúng ta thấy được khi giá trị của một token tăng lên là:
- Nhà lập trình, nhà đầu tư và các nhân tố khác trong thị trường sẽ trở nên quan tâm hơn và bắt đầu đầu tư vào nó để trở thành người nắm giữ sở hữu một phần trong tổng thể giá trị của mạng lưới. Dòng giá trị chảy thêm vào này đã làm tăng lên tổng giá trị vốn hóa thị trường của dự án.
- Nếu giao thức/nền tảng của token đó được xem là có thể tạo ra giá trị thì nó sẽ lại hấp dẫn nhiều nhà lập trình hơn tham gia vào hệ thống để tạo ra các ứng dụng có chất lượng tốt hơn dẫn đến thu hút được nhiều người dùng thực hơn và một lần nữa điều này quay trở lại thu hút thêm nhiều nhà lập trình mới hơn nữa. Ethereum là một ví dụ điển hình.
Đây rõ ràng là một yếu tố ngắn hạn nhưng có tác động lớn dẫn đến hình thành góc nhìn Fat Protocol Thin Application của một số nhà đầu tư trong lĩnh vực blockchain. Về tổng quan của một hệ thống kinh tế, theo lý thuyết tổng hợp (aggregation theory) phát biểu rằng chuỗi giá trị cho bất kể một thị trường tiêu thụ nào cơ bản cũng có sự xuất hiện của 3 bên là nhà cung cấp, nhà phân phối và người tiêu dùng. Cách tốt nhất để thu được lợi nhuận vượt ngưỡng trong bất kỳ thị trường nào là dành được độc quyền theo chiều ngang ở một trong 3 bên hoặc tích hợp được 2 trong số các bên để có thể dành được lợi thế cạnh tranh trong việc cung cấp một giải pháp theo chiều dọc.
Đối với lĩnh vực công nghệ nói chung và blockchain nói riêng cũng không hề ngoại lệ, chúng cũng bao gồm 3 thành phần chính tạo nên chuỗi giá trị tương ứng là giao thức nền tảng, giao thức ứng dụng và người dùng cuối. Ở những ngày đầu hình thành hầu hết các dự án chỉ tập trung vào việc phát triển một lớp giao thức nền tảng đơn lẻ vì có thể họ đã ôm lấy một tham vọng rằng giao thức nền tảng của mình sẽ trở nên độc bá và chiếm lấy lợi thế cạnh tranh tuyệt đối một khi thời đại bùng nổ của các ứng dụng blockchain xảy đến. Nhưng cho đến hiện nay các dự án đã bắt đầu thay đổi cách nhìn của mình về việc phải thực hiện cùng lúc nhiều lớp giao thức, ít nhất là 2 trong 3 lớp để dự án của họ có tính cạnh tranh mạnh hơn và có thể nắm bắt nhiều giá trị vượt trội hơn trong thị trường. Một trong những số này đáng chú ý nhất là lớp giao thức ứng dụng (application protocol) – chú ý giao thức ứng dụng (application protocol) nó có sự khác biệt nhất định với ứng dụng (application) đơn thuần – được hình thành bên trên lớp giao thức nền tảng (base protocol) và đây được xem là con đường mới đầy hứa hẹn tiếp theo của đầu tư thực sự.
*Giao thức ứng dụng là giao thức quản trị và chi phối các quy trình khác nhau, chẳng hạn như quy trình tải xuống một trang web hoặc quy trình để gửi đi một e-mail .v.v. Giao thức ứng dụng chỉ đạo cách mà các quy trình này được thực hiện.
Quan điểm trên được giải thích bởi sự thật có thể thấy được là các giao thức ứng dụng có mức độ nhận thức (awareness) về tính ứng dụng cao hơn so với các giao thức đối trọng tương đương ở kỷ nguyên Internet, giai đoạn trước khi có sự xuất hiện của công nghệ blockchain. Bởi vì chúng có cấu trúc cao hơn. Ví dụ như giao thức SMTP (giao thức chuyển e-mail) trong kỷ nguyên Internet là một giao thức có tính cấu trúc không cao, mức độ nhận biết về sự hiện diện, cách hoạt động và cách sử dụng nó của người dùng cực kỳ thấp. Như khi chúng ta gửi đi một hóa đơn qua e-mail, chúng ta có thể cấu trúc hoặc định dạng (nói đơn giản là soạn thảo) theo bất cứ phong cách nào chúng ta muốn miễn sao người nhận e-mail có thể đọc hiểu được nội dung mà chúng ta muốn truyền tải là được. Giả sử thông báo nội dung của một hóa đơn được viết qua e-mail có dạng như sau “Hóa đơn thanh thanh toán tiền mặt của bạn đã hoàn tất đến John Nguyen, founder của sachblockchain.com cho sản phẩm sách Blockchain Trong Kỷ Nguyên Phi Tập Trung”.
So sánh với Paypal chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt giữa ứng dụng đơn thuần và giao thức ứng dụng, giữa giao thức có cấu trúc thấp và giao thức có cấu trúc cao. Paypal là một ứng dụng thực hiện cấu trúc dữ liệu, nó có thể tạo ra giá trị bằng cách tính phí cho các chức năng dịch vụ có giá trị mà nó cung cấp. Chi phí này là xứng đáng và mọi người yêu thích sử dụng Paypal hơn bởi các vấn đề liên quan tới tốc độ giao dịch, giảm thiểu rủi ro, chuyên nghiệp hơn so với việc gửi tiền mặt. Với một giao thức có cấu trúc dữ liệu, mạng lưới sẽ nhận thức được các chi tiết quan trọng của hóa đơn như số tiền thanh toán, ngày đáo hạn và người nhận. Sau đó, hệ thống có thể thực hiện các hành động phù hợp như gửi lời nhắc thanh toán, ghi nợ tài khoản, ghi lại các giao dịch vào sổ cái kế toán có liên quan và các hành động khác dành riêng cho từng ứng dụng khác nhau trên một website thương mại. Tóm lại, Paypal cung cấp giải pháp như một ứng dụng cổng thanh toán với một hệ thống các chức năng giúp ích cho việc kinh doanh của các website bán hàng chứ không chỉ đơn thuần như cách hoạt động của một e-mail thông báo hóa đơn. Tương tự cách hoạt động của Paypal, các giao thức tiền mã hóa sử dụng công nghệ blockchain nhận thức rất rõ về các thao tác đang xảy ra, các bên liên quan là ai và các lợi ích kinh tế là gì, do vậy nó có thể tính phí cho các giá trị mà giao thức tạo ra một cách tốt hơn. Đây chính là tính chất khái quát hóa mà một giao thức ứng dụng có được cho thấy sự tối ưu hơn so với một ứng dụng đơn thuần chỉ thiên về UX/UI (thiết kế trải nghiệm người dùng/ thiết kế giao diện người dùng).
Trong tầm nhìn dài hạn, các giao thức nền tảng (base protocol) như Ethereum đang tìm cách “biến mất” hay “ẩn mình” hoàn toàn trong mắt người dùng bằng cách phát triển tích hợp mạnh mẽ hơn với lớp giao thức ứng dụng (application protocol), người dùng sẽ sử dụng giao thức mà thậm chí còn không biết nó đang tồn tại, cũng giống như cách mà chúng ta đang sử dụng Internet, chúng ta chỉ quan tâm tới việc Internet sẽ giúp mình giải quyết vấn đề nào, cách để truy cập chứ chúng ta không quan tâm đến việc giao thức nền tảng phía sau của Internet là gì (mặc dù không có các giao thức mạng nền tảng thì Internet gần như không hoạt động). Có thể hiểu được sự chuyển hướng này của các dự án, là bởi vì trong thực tế các giao thức ứng dụng dễ dàng có được số lượng lớn người dùng sử dụng hơn so những giao thức cơ bản, người dùng dễ thích ứng hơn với những thứ mang lại các chức năng thực tiễn, trực tiếp giải quyết vấn đề mà họ đang gặp phải một cách nhanh chóng với các thao tác được đơn giản hóa, ít rào cản phức tạp và thân thiện với chính họ. Đây chính là tính khái quát hóa mà hầu hết các giao thức/nền tảng đang muốn đạt tới. Nếu điều này được thực hiện thành công thì chúng ta có thể thấy được tại sao giao thức ứng dụng (application protocol) sẽ trở thành “bẫy giá trị thực” trong đầu tư thay vì giao thức nền tảng đơn giản.
*Bẫy Giá Trị (Value Trap) là khái niệm dùng để chỉ sự đánh giá sai giá trị thực của một thứ gì đó, có thể là cổ phiếu, token hay một loại tài sản .v.v. của đám đông
Việc bán token để thu tiền đang khuyến khích các nhà lập trình (developer) chỉ tạo ra giá trị xung quanh chỉ một chức năng ứng dụng cụ thể, ví dụ như các loại token chỉ phục vụ cho việc mua các vật phẩm hay nhân vật trong các trò chơi game, thay vì cho toàn bộ giao thức chung hoặc xây dựng nên một ứng dụng có tính giao thức hoàn thiện (application protocol), đã gây ra hiện tượng “rác hóa” trong thế giới các đồng tiền mã hóa với rất nhiều các đồng coin ứng dụng được tạo ra chỉ để bán ra công chúng nhằm thu về các khoản tiền khổng lồ cho các nhà sáng lập, phục vụ việc mua bán qua lại (trade) của đám đông mà không phục vụ bất kì một chức năng hữu ích nào cụ thể trong thực tế.
Vấn đề nảy sinh của việc tập trung phát triển vào các đồng coin ứng dụng (hay các giao thức chỉ dành riêng cho một ứng dụng cụ thể) thay vì tập trung phát triển vào các đồng coin của một giao thức được chia sẽ (shared protocol) rõ ràng là nằm ở những hợp đồng thông minh của các ứng dụng phi tập trung (DApps). Mặt khác các giao thức được chia sẽ (shared protocol) sẽ cung cấp các đặc điểm, tính năng được tiêu chuẩn hóa thúc đẩy sự phát triển chung của toàn bộ lĩnh vực.
Những đồng tiền ứng dụng đơn thuần là phản đề của việc tiêu chuẩn hóa, hình thành nên nhiều hợp đồng thông minh tùy chỉnh và không tương thích với rất nhiều các mức chất lượng và bảo mật khác nhau nhưng tất cả lại cùng thực hiện một chức năng tương tự, vậy người dùng cuối nhận được gì từ chúng? – Họ phải giải quyết một mớ hỗn độn bao gồm một biển các nguy cơ tiềm ẩn khó kiểm soát, nhiều quy trình xử lý cấu hình, quá nhiều những đồng coin ứng dụng khác nhau (bạn thử tưởng tượng sự nặng nề khi phải sở hữu 100 đồng coin khác nhau để sử dụng cho 100 loại ứng dụng có các giao thức hoàn toàn khác nhau) và tiêu tốn nhiều sức lực để học cách sử dụng các ứng dụng đó. Rõ ràng trong khi các giao thức được chia sẽ (shared protocol) có thể giúp toàn bộ mạng lưới phát triển theo một cách thức đồng bộ và có tính hợp lực cao thì các đồng coin ứng dụng có thể phân mảnh (fragment) người dùng thành các phe nhóm khác nhau khiến cho toàn bộ hệ thống tổng thể trở nên hoạt động kém hiệu quả đi rất nhiều. Điều này đúng với định luật Metcalfe.
Theo định luật của Bob Metcalfe, người sáng lập ra mạng Ethernet, thì hiệu ứng của một mạng kết nối tỉ lệ thuận với bình phương số người dùng được kết nối của hệ thống (n^2). Hay nói đơn giản một mạng lưới càng có nhiều người kết nối tới thì nó càng có giá trị hơn, và chúng sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân bởi vì một người dùng sẽ thu hút thêm những người dùng mới từ vòng tròn mối quan hệ trong xã hội của họ.
Một mạng blockchain có tổng số node là N thì giá trị V của mạng lưới blockchain đó sẽ gia tăng tỉ lệ thuận với (N^2) . Giả sử chúng ta có tập hợp số lượng node khác nhau là N1, N2 và N3. Các tập hợp này đều cùng thuộc một phần của hai mạng blockchain khác nhau, một mạng blockchain sử dụng chung một giao thức được chia sẽ và mạng còn lại có 3 ứng dụng sử dụng 3 giao thức cụ thể khác nhau cho chính chúng tự xây dựng riêng.
- Mạng blockchain đầu tiên vì sử dụng chung một giao thức được chia sẽ có các DApps hoạt động song song nên giá trị V tổng thể của mạng lưới được tạo ra là (N1 + N2 + N3)^2
- Mạng blockchain thứ hai vì sử dụng 3 giao thức khác nhau của 3 DApps tự phát triển khiến cho các node N phải hoạt động riêng lẻ, kết quả là giá trị V tổng thể của mạng lưới chỉ bằng (N1^2 + N2^2 + N3^2)
Chúng ta thấy rằng giá trị của (N1 + N2 + N3)^2 > (N1^2 + N2^2 + N3^2), nên một mạng lưới với các giao thức được chia sẽ ngày càng trở nên giá trị hơn khi có nhiều người dùng hơn tham gia vào hệ thống theo thời gian, token của giao thức (hay các dự án phát triển giao thức) sẽ giúp thúc đẩy giá trị tổng thể của mạng lưới trong khi token ứng dụng là nhiên liệu để kích hoạt các chức năng của ứng dụng vận hành bên trên giao thức đó.
Nhiều nhà đầu tư Crypto nghĩ rằng lý thuyết đầu tư dựa trên ý tưởng của fat protocol được phát biểu như sau:
“Nếu bạn đầu tư vào một token ứng dụng (application token) thì bạn phải chịu một rủi ro có tỉ lệ thất bại lên đến hơn 95% tương tự tỷ lệ dành cho các công ty khởi nghiệp và nếu bạn đầu tư vào một token giao thức (protocol token) nó trông giống như bạn đang đa dạng hóa việc đầu tư của mình bằng cách với cùng một số vốn bạn có thể có cơ hội thành công với tất cả các ứng dụng được xây dựng trên giao thức đó, đồng nghĩa rằng sự thành công của một giao thức không phụ thuộc vào bất kỳ riêng lẻ một ứng dụng nào mà nó là sự tổng hòa mức độ thành công mà tất cả các ứng dụng trong hệ sinh thái của giao thức đó có được. Tốt hơn bạn nên đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình bằng một danh sách các token giao thức bởi vì các giao thức sẽ được sử dụng nhiều hơn và nắm bắt hầu hết phần lớn các giá trị của các ứng dụng được xây dựng bên trên nền tảng của chúng. Các giao thức nền tảng (base protocol) sẽ thu được nhiều giá trị hơn trong tương lai, do đó hãy đầu tư vào các token giao thức thay vì vào các token ứng dụng.”
Đây liệu có phải là một quan điểm hoàn toàn đúng đắn?
Trong blockchain một giao thức đơn giản là một tập hợp của các quy định, hành vi và dạng thức chỉ định tiêu chuẩn giao tiếp giữa hai hoặc nhiều node khác nhau trong mạng lưới. Điều này cho thấy rằng việc phân định cứng nhắc về khái niệm “giao thức” và “ứng dụng” chỉ mang tính tương đối. Về bản chất thực tế, bất kể một ứng dụng phi tập trung (DApps) hay nền tảng (platform) nào cũng có thể là một giao thức (protocol) theo đúng định nghĩa tùy theo chức năng hoạt động và phạm vi so sánh của chúng đối với các đối tượng khác trong hệ sinh thái hoạt động của riêng mình. Nói rõ hơn, mọi lớp chức năng là một giao thức cho lớp chức năng bên trên nó và đồng thời chính nó cũng là một ứng dụng cho lớp chức năng bên dưới nó. Từ góc nhìn này chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa thực sự của khái niệm fat protocol không phải để chỉ về “số lượng giao thức” mà nó đề cập đến giá trị và mạng lưới thông tin, những mạng lưới mở (open networks) nhưng vẫn duy trì được quyền sở hữu nhỏ gọn của dữ liệu (chính là các token được sinh ra nhờ vào công nghệ mã hóa của blockchain), thứ giúp chúng có khả năng kiếm được tiền thông qua thiết kê mô hình kinh tế học của token (cryptoeconomics/tokenomics). Do đó điều quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư là phải hiểu được cách mà luồng giá trị (value flow) được lưu chuyển qua các lớp chức năng khác nhau và cách một lớp chức năng nhất định có thể nắm bắt giá trị đó.
Ví dụ minh họa về Augur vừa là giao thức của các lớp bên trên nó vừa là ứng dụng của các lớp bên dưới nó.
Nếu tính chất “giao thức (protocol)” được xem là bộ lọc cho các quyết định đầu tư tốt hơn, có lẽ bởi vì các dự án có tính chất “giao thức” đưa ra những đặc điểm đáng mong muốn đối với các nhà đầu tư như tính đa dạng hóa trong ứng dụng lớn hơn cũng như tiềm năng gia tăng giá trị lớn hơn trong tương lai, thì chúng ta có thể giải thích cách chúng nhận (receive), tích lũy (accrue) và chuyển (transfer) giá trị. Cụ thể hơn, chúng ta có thể hiểu được tại sao một giao thức ứng dụng (application protocol) lại có những đặc điểm để đầu tư tốt hơn so với thứ khác.
Quan điểm về việc cho rằng các giao thức ở lớp thấp hơn, gần với tầng cơ sở hơn, có xu hướng được áp dụng rộng rãi hơn và do đó cung cấp tính đa dạng hóa hơn là không hoàn toàn chính xác. Để đa dạng hóa các lớp chức năng bên trên, trước tiên một giao thức phải nắm bắt được một số thị phần hay phân khúc thị trường để phục vụ, tương tự như cách mà WordPress hướng đến là giao thức phổ biến dành cho thị trường xây dựng website. Kỷ nguyên blockchain không giống như thời đại giao thức TCP/IP của mạng Internet, chỉ có một vài đối thủ cạnh tranh với nhau trong thực tế và có khi là độc quyền duy nhất. Việc áp dụng chúng cũng cần phải có sự phối hợp của các chính phủ, các tập đoàn và các cơ quan tiêu chuẩn trên toàn thế giới. Ngược lại, hiện nay việc phát triển các giao thức phi tập trung được tiến hành dựa trên sự hỗ trợ của các nhóm lập trình nguồn mở nhỏ và linh hoạt, họ cạnh tranh để tạo ra số lượng giao thức mới ngày càng tăng với chức năng ngày càng tổng quát và chống chéo lẫn nhau. Tuy nhiên, điều này gây ra sự bất đồng về khả năng tương tác (Interoperability) giữa các giao thức, bởi vì ai cũng muốn xây dựng một giao thức của riêng mình để thu được nhiều giá trị hơn. Vì vậy nếu chúng ta chọn một giao thức có hướng triển khai sai hoặc thiếu tiềm năng mạnh mẽ, chúng ta có thể đang đầu tư vào một mớ ngớ ngẩn bị tách biệt ra khỏi giá trị của một hệ sinh thái chung trong một thị trường phức tạp và cạnh tranh.
Tóm lại, việc chọn đúng giao thức nền tảng (base protocol) không khác biệt nhiều với việc chọn đúng công ty khởi nghiệp hoặc đúng giao thức ứng dụng (application protocol) để đầu tư từ góc nhìn đa dạng hóa. Nếu chúng ta cho rằng một danh mục đầu tư với một vài giao thức chính yếu đang nổi sẽ giành được thành công thì chúng cũng có tỷ lệ thất bại tương tự một danh mục đầu tư với các giao thức có tính ứng dụng gần gũi với người dùng. Nếu chúng ta có quan điểm rằng trong tương lai các giao thức sẽ cùng tồn tại và có khả năng tương tác với nhau thì chúng ta nên đầu tư vào các giao thức giúp tăng khả năng tương tác giữa các giao thức khác. Tất cả tùy thuộc vào tầm nhìn, nền tảng hiểu biết và độ phân tích nhạy bén của cá nhân chúng ta.
Trong không gian của công nghệ blockchain, thực tế lớp ứng dụng trên cùng chủ yếu chỉ thực hiện vai trò của UI (User Interface – Giao diện tương tác người dùng), trong khi nhiều giao thức ở tầng bên dưới xử lý phần lớn các chức năng cơ bản và vì vậy chúng nắm bắt/giành được (capture) hầu hết các giá trị. Tuy nhiên các giao thức này sẽ có xu hướng ngày càng phân hóa tập trung vào từng chức năng riêng biệt bởi vì những ảnh hưởng của việc chia tách (forking) kết hợp với áp lực cạnh tranh thị trường mạnh mẽ.
Forking (chia tách) có nghĩa là toàn bộ giao thức bao gồm cả cơ sở dữ liệu (database) có thể được copy bởi bất cứ ai. Forking là một đặc điểm đặc thù của các giao thức public blockchain. Forking cho phép bạn tạo ra một phiên bản mới của giao thức cũ theo ý mình nếu như bạn không thích giao thức hiện tại, bởi vì tất cả là mã nguồn mở (open source) nên bạn có thể thực hiện điều này rất dễ dàng để tạo ra một giao thức phù hợp chính xác với nhu cầu sử dụng của bản thân. Rõ ràng forking cho phép khả năng tạo ra một số lượng lớn các giao thức cạnh tranh. Động lực khuyến khích của mọi nhà lập trình phát triển trên công nghệ blockchain là có các công cụ tốt nhất cho các ứng dụng mà họ đang xây dựng và cung cấp dịch vụ với chi phí thấp nhất có thể. Nếu không có được những điều đó họ có thể sẽ tạo ra một forking (chia tách) hoặc xây dựng riêng cho mình một giao thức mới cạnh tranh và tối ưu hơn.
Một giao thức nền tảng hoặc một giao thức tổng quát không thể cung cấp công nghệ và các ưu đãi tốt nhất có thể cho mọi trường hợp sử dụng trong dài hạn vì vậy việc này sẽ tạo ra động lực cạnh tranh cho các giao thức mới và chuyên môn hóa hơn xuất hiện. Các giao thức này sẽ tập trung vào một số chức năng riêng biệt để cung cấp các chức năng này hiệu quả hơn so với giao thức cũ đã có trước đó. Khả năng forking cho phép sự cạnh tranh gần như không giới hạn, xóa bỏ gần như các lợi thế về thông tin và độc quyền dữ liệu của lĩnh vực công nghệ truyền thống trước đây. Hệ quả là các giao thức chỉ có thể ngày càng phân hóa chuyên sâu hơn.
Một giao thức sẽ được phân hóa (từ “fat” chuyển thành “thin”) nếu như cùng lúc có 3 điều kiện sau xuất hiện:
- Dễ dàng forking (chia tách) một khi lợi ích cận biên (marginal benefits) của giao thức đã đạt tới ngưỡng.
- Có động lực khuyến khích để cạnh tranh một khi nhận thấy cơ hội thị trường đủ lớn.
- Khả năng giao tiếp tương kết (Interoperability) và khả năng thay thế lẫn nhau (Interchangeability) của các giao thức được cải thiện.
Có thể không hợp lý khi forking một giao thức đang có giá trị vốn hóa thị trường khoảng 50 triệu USD, nhưng khi nó trở nên phổ biến hơn và giá trị vốn hóa của giao thức tăng lên 50 tỷ USD thì càng có khả năng lớn sẽ có ai đó muốn thực hiện forking nó cho các chức năng chuyên biệt hơn. Điều này cho thấy thêm khả năng blockchain dường như có một cơ chế tự nhiên ngăn chặn sự độc quyền.
Tuy nhiên, trong thực tế rất khó để xác định được đâu là ngưỡng lợi ích cận biên của một giao thức, hay xác định được đâu là thời điểm thích hợp để nhận thấy cơ hội thị trường đủ lớn cũng như việc sẽ luôn có đủ sự đa dạng trong các hoán vị giao thức (protocol permutations) – các tập hợp giao thức khác nhau được hình thành dựa trên khả năng giao tiếp tương kết / chéo chuỗi – để không có động lực forking.
Nếu thực tế trong tương lai xảy ra đúng như vậy thì người hưởng được lợi ích nhiều nhất chính là người dùng cuối (end-user). Họ sẽ được sử dụng các ứng dụng, dịch vụ với chi phí rẻ hơn, giao thức chuyên biệt hơn trong một thị trường đạt tới sự cạnh tranh hoàn hảo. Đó thực sự là một điều tuyệt vời.
Những ngày đầu khi Bitcoin xuất hiện, người ta đã xem Bitcoin là một giao thức và chúng ta có thể xây dựng các ứng dụng bên trên nền tảng blockchain của Bitcoin. Tuy nhiên, sau khoảng 10 năm ra đời, giờ đây phần lớn lại xem Bitcoin là một ứng dụng như vàng kĩ thuật số hơn là nghĩ đến chúng như một giao thức để xây dựng các chức năng trên nó.
Có ý kiến cho rằng thế hệ giao thức được chia sẽ (shared protocol) trước đây trong kỷ nguyên của Internet như TCP/IP, SMTP, HTTP .v.v. đã tạo ra giá trị vô cùng lớn nhưng hầu hết các giá trị này đều được nắm bắt và tập trung ở lớp ứng dụng bên trên chúng. Điều này có thể đã đúng trong thực tế, nhưng một lý do sâu sắc hơn để giải thích cho việc này có lẽ là sự miễn phí của các giao thức như TCP/IP.
Đa số mọi người đều cho rằng Ethereum là một giao thức nền tảng (base protocol) và nó ra đời cũng để thay thế các giao thức cũ đã có trước đó. Nhưng ở một góc nhìn khác Ethereum thực ra đã thay thế cho nhu cầu về một máy chủ (server) hơn là thay thế cho một giao thức như TCP/IP. Ethereum đã làm cho mô hình các ứng dụng phi máy chủ (serverless applications) trở nên khả thi trong thực tế. Về cơ bản blockchain nói chung là một cơ sở dữ liệu, blockchain Ethereum sẽ cho phép một nhà lập trình thay thế phần mã code phụ trợ (backend code) của ứng dụng bằng logic và giá trị được lưu trữ trong máy ảo Ethereum (EVM), dữ liệu được lưu trong Ethereum Swarm và các thông điệp được lưu trong Whisper. Tóm lại, dưới góc nhìn này Ethereum chỉ là một nền tảng cho phép những ứng dụng phi tập trung được xây dựng trên nó bằng cách sử dụng một blockchain thay vì một máy chủ (server) như trước đây.
Về lâu dài, cơ sở dữ liệu (database) và khả năng lưu trữ máy chủ (server) cuối cùng sẽ được hàng hóa hóa. Cho nên Ethereum hay bất cứ nền tảng blockchain nào khác cũng sẽ đi trên con đường trở thành hàng hóa dưới quan điểm này. Nhưng trong trung hạn con đường này vẫn còn một chặng rất xa trước mắt để phát triển bởi vì blockchain vẫn đang là một công nghệ còn non trẻ và phần lớn tốc độ hàng hóa hóa sẽ phụ thuộc vào khả năng mở rộng (scalability) lẫn khả năng tương kết (Interoperability) của chúng.
Giá trị nội tại vốn có của đồng Ether (ETH) xuất phát từ việc nó có thể dùng để mua sức mạnh tính toán trên cơ sở dữ liệu phi tập trung (blockchain Ethereum). Do vậy giá trị thị trường thật chất của đồng ETH được xác định bởi lực cung cầu cho sức mạnh tính toán đó trong dài hạn.
- Lực cầu đồng ETH phụ thuộc vào số lượng những ứng dụng, phần mềm hữu ích được xây dựng bên trên nền tảng blockchain Ethereum (ở đây không kể đến các yếu tố khác tác động đến giá trong ngắn hạn như đầu cơ, thao túng .v.v.)
- Lực cung đồng ETH được xác định bởi khả năng mở rộng của mạng Ethereum hay nói cách khác là số giao dịch xử lý mỗi giây (TPS – transactions per second) của blockchain Ethereum. Hiện nay khi mà blockchain Ethereum vẫn còn sử dụng thuật toán đồng thuận Proof-of-Work thì chỉ số này của mạng chỉ là 15 TPS – một chỉ số rất khiêm tốn.
Trong tương lai, khi các chuỗi blockchain lần lượt tìm ra cách để gia tăng khả năng mở rộng của mình lên đến một con số lý tưởng, đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong thực tế hoặc thông qua một giải pháp tương kết chéo giữa hàng ngàn chuỗi blockchain khác nhau để gia tăng khả năng mở rộng thì lúc đó nguồn cung cấp sức mạnh tính toán dồi dào sẽ ép giá cả xuống tới một mức giá của hàng hóa. Khi các nhân tố cơ bản này trở thành một loại hàng hóa thì tất cả giá trị đó sẽ bắt đầu tích lũy dần lên bằng việc hình thành các lớp chức năng giá trị bên trên, giống như những gì đã xảy ra trong kỷ nguyên Dot Com (Web 1.0 và Web 2.0) trước đây.
HTTP là một giao thức cơ bản để truy cập web và cho phép việc xuất bản phi tập trung (decentralized publishing) một trang web. Bất cứ ai cũng có thể vận hành một máy chủ web (web server) và xuất bản nội dung của riêng họ. Và bất cứ ai có trình duyệt web (web browser) cũng đều có thể truy cập vào nội dung của các trang web (điều này chỉ chịu sự hạn chế bởi chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ Internet gọi tắt là các ISP). Nhưng HTTP là một giao thức duyệt web phi trạng thái lưu giữ dữ liệu (a stateless protocol), cho nên HTTP cần có một lớp dữ liệu (data layer) cho bất kỳ chức năng ứng dụng nào. Hiện nay lớp dữ liệu này được cung cấp bởi các công ty khổng lồ như Google, Facebook, Twitter, Amazon và Ebay. Việc này dẫn đến hình thành tính chất tập trung của thế hệ Web 2.0 mà chúng ta đang sử dụng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, blockchain đã tạo ra tiềm năng cung cấp sự thay thế lớp dữ liệu tập trung bằng lớp dữ liệu phi tập trung để việc duy trì trạng thái dữ liệu trở nên hợp lý và khả dĩ hơn trong triển khai thực tế.