TOKENOMICS – MÔ HÌNH KINH TẾ HỌC CỦA TOKEN (P1)

Khái Niệm Tokenomics

Chúng ta có thể hiểu tokenomics là một thuật ngữ chỉ mô hình kinh tế học của một loại token. Hiện nay có hàng ngàn loại token đang tồn tại trên thị trường với nhiều thiết kế mô hình kinh tế học (tokenomics) đa dạng của riêng chúng. Để đi sâu vào khám phá và có thể hiểu biết thấu đáo về tiềm năng cũng như mô hình kinh tế học (tokenomics) của bất kỳ loại token nào mà chúng ta đang nắm giữ, điều cần thiết trước tiên là chúng ta phải nghiên cứu và phân tích bản cáo bạch (White Paper) của mỗi dự án một cách chi tiết. Mục đích của bài viết này là giúp chúng ta có thể hiểu được căn bản cách mà mô hình tokenomics của một dự án blockchain có sử dụng token vận hành.
Token là gì? – Trong thực tế, token là một thứ đóng vai trò đại diện hữu hình cho các giá trị mang tính trừu tượng vô hình, chẳng hạn như quyền bỏ phiếu, quyền đăng nhập, chứng nhận chất lượng, cảm giác về giá trị .v.v. Ví dụ như:

  • Thẻ thành viên phòng tập gym của chúng ta được xem là một loại token đại diện cho việc chúng ta đã đăng ký, đóng phí và có quyền tham gia sử dụng dịch vụ của phòng gym đã cấp thẻ thành viên cho mình.
  • Bằng lái xe của chúng ta đại diện cho sự thật rằng chúng ta đã được cấp phép và đã trải qua khóa huấn luyện để có quyền lái xe di chuyển trong phạm vi quốc gia mà mình sinh sống.
  • Thẻ từ để mở khóa cửa phòng khách sạn của chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta đã thanh toán chi phí cho việc lưu trú tại khách sạn đó trong chuyến đi du lịch của mình.
  • Vé hay đồng xu sử dụng trong các khu vui chơi giải trí, nó đại diện cho quyền được sử dụng các dịch vụ trò chơi trong khu vực đó.

Cũng tương tự như vậy, trong lĩnh vực tiền mã hóa (cryptocurrency), token (mã thông báo) là một thứ đại diện cho một “điều gì đó” cụ thể (có thể là giá trị, quyền hạn, sự chứng nhận .v.v.) trong phạm vi hệ sinh thái hoạt động của chúng. Một loại token không bị giới hạn trong một vai trò chức năng độc nhất mà có thể đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau trong phạm vi hệ sinh thái bản địa của mình. Nó có thể là đại diện cho một giá trị tài sản hay quyền sử dụng một tính năng mà hệ thống/tổ chức cung cấp.
Tokenomics là gì? – Tokenomics là thuật ngữ bao gồm 2 phần token (mã thông báo) và economic (tính sinh lợi/tính kinh tế). Vậy hiểu rộng ra tokenomics là một yếu tố quan trọng thể hiện chất lượng của token nói riêng và dự án nói chung nhằm thuyết phục người dùng sử dụng và nhà đầu tư chấp nhận, để giúp phát triển một hệ sinh thái có nền tảng bền vững xoay quanh dự án của loại token đó. Một token có mô hình tokenomics hoàn hảo sẽ được thiết kế có một số yếu tố sau:

  • Token có tiện ích trong hệ sinh thái, nghĩa là có mục đích sử dụng cho một tính năng cụ thể.
  • Token được hỗ trợ (bảo chứng) bởi một giá trị hay một tài sản.
  • Token có khả năng chống lại áp lực lạm phát.
  • Token có khả năng mở rộng, nghĩa là có tốc độ giao dịch nhanh chóng trong mạng lưới.
  • Token có khả năng là một kho lưu trữ giá trị.
  • Token có khả năng có thể thay thế (fungibility).
  • Token được mọi người chấp nhận rộng rãi, nghĩa là có cộng đồng người dùng lớn mạnh.
  • Token được giao dịch trên các sàn giao dịch, nghĩa là dễ tiếp cận đối với người dùng khi có nhu cầu sở hữu token để sử dụng.
  • Token phải được khuyến khích chi tiêu để sử dụng sản phẩm dịch vụ, không khuyến khích để làm phương tiện giao dịch như một công cụ tài chính.
  • Token được khuyến khích nắm giữ (holding) nhằm phục vụ cho một nhiệm vụ/công việc phục vụ có ích cho hệ sinh thái, không khuyến khích nắm giữ theo khuynh hướng đầu cơ (speculation).

Nói một cách đơn giản, bất cứ điều gì góp phần xây dựng nên hay tác động đến giá trị của token đều là một phần của tokenomics. Đây thực sự là một chủ đề rất rộng với nhiều yếu tố để cấu tạo thành một mô hình tokenomics, chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng yếu tố một sau đây.

Team – Đội Ngũ

Hiển nhiên một dự án đáng tin cậy trước hết phải được thực hiện bởi một đội ngũ có chất lượng và một ban cố vấn (advisors) có uy tín. Những người đứng sau một dự án thực sự có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá xem đồng token của dự án đó có bất kỳ cơ hội nào để có được sự chấp nhận sử dụng rộng rãi của cộng đồng người dùng hay không? Điều này cũng giống như việc một công ty thành công là một công ty có khả năng truyền phát sản phẩm của mình tới càng nhiều khách hàng càng tốt, biết cách tạo ra nhu cầu cho người dùng, chiếm được thị phần lớn trên thị trường và dĩ nhiên biết cách để thiết kế nên một sản phẩm có giá trị hữu dụng thực tiễn.
Ví dụ điển hình cho một dự án thành công sở hữu một đội ngũ chất lượng là dự án blockchain về trình duyệt web Brave với đồng token có tên là BAT (Basic Attention Token). Nhà sáng lập của BAT là Brendan Erich, người đã tạo ra ngôn ngữ lập trình vô cùng nổi tiếng là JavaScript và trình duyệt web đình đám Mozilla Firefox. Cùng với ông ấy, chúng ta có thể thấy được sự xuất sắc và nổi bật của các thành viên bên cạnh Bredan Erich.

Token Allocation – Kế Hoạch Phân Bổ Token

Một yếu tố quan trọng khác khi cân nhắc đầu tư vào một dự án là xem xét chi tiết cấu trúc phân bổ token thực tế của dự án. Chúng ta có thể tìm thấy thông tin này được trình bày trong bản cáo bạch (White Paper) – thường là ở phần cuối cùng. Cần lưu ý tới thời gian khóa giam và mở trả (lock & unlock) token của dự án dành cho các nhóm khác ngoài cộng đồng như đội ngũ cố vấn (advisors), đội ngũ sáng lập (team), đội ngũ lập trình (deverlopers) .v.v. thông thường nếu thời gian khóa token của các nhóm này càng dài thì càng thể hiện tính cam kết và sự quyết tâm vì tiềm năng lâu dài của dự án từ đội ngũ sáng lập.
Tiếp theo, chúng ta phải biết được số lượng và giá bán token của từng nhóm đã tham gia mua là bao nhiêu, đặc biệt là số lượng và giá mua của các nhà đầu tư lớn (như quỹ đầu tư, tổ chức tài chính .v.v.) ở các vòng bán seed sale/private sale trước khi tiến hành đợt bán token rộng rãi ra công chúng (crowd sale).
Cuối cùng là xem xét tới các giai đoạn trả token (vetting) cho nhà đầu tư hay còn gọi là lịch trả token (token release schedule) khi tham gia đầu tư vào token của dự án để nắm được lộ trình ảnh hưởng tới giá cả theo từng khoảng thời gian mở trả token tương ứng.

Community – Cộng Đồng

Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của một dự án tiền mã hóa (cryptocurrency) là sự tích cực của cộng đồng ủng hộ dự án trong dài hạn. Không có một cộng đồng đủ tốt thì dự án rất khó phát triển, TỐT không chỉ thiên về mặt số lượng mà còn là niềm tin tích cực, sự quan tâm và hỗ trợ dự án của các thành viên trong cộng đồng. Một cộng đồng chất lượng sẽ giúp cho đồng token của dự án có xu hướng phát triển ổn định. Nhiều dự án thường bỏ quên việc chăm sóc cộng đồng của mình chỉ để chuyên tâm phát triển hoàn hảo sản phẩm, điều này không có gì sai nhưng trong suốt quá trình thực hiện cho đến lúc hoàn thiện, việc duy trì một cộng đồng sôi động, có tính kết nối cao sẽ giúp cho dự án không bị lãng quên, giữ được niềm tin với người dùng và dễ dàng nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng khi cần thiết.

Business Model – Mô Hình Kinh Doanh

Các dự án nên có một mô hình kinh doanh mạnh mẽ, được thiết kế tối ưu với những cách thức khác nhau có thể giúp họ kiếm tiền (có nguồn thu và lợi nhuận). Các loại tiền mã hóa (cryptocurrency) như Bitcoin, Bitcoin Cash, Litecoin, Zcash chỉ được sử dụng cho mục đích thanh toán, do đó chúng không cần có một mô hình kinh doanh phức tạp.
Tuy nhiên, đặc biệt đối với các ứng dụng phi tập trung (DApp) là những dự án có mục đích cung cấp nhiều hơn các tính năng để giải quyết các vấn đề hay nhu cầu nào đó trong thực tế cuộc sống của người dùng, thì chúng cần có một mô hình kinh doanh được thiết kế mạnh mẽ hơn và không chỉ đơn thuần là hướng đến việc thanh toán.
Cuối cùng là các dự án cung cấp nền tảng blockchain cho các DApp hoạt động trên nó, thì yếu tố quan trọng nhất trong mô hình kinh doanh của các dự án loại này chính là vấn đề công nghệ và chiến lược thu hút các nhà lập trình viên chọn nền tảng blockchain của họ để xây dựng các DApp thực sự có chất lượng, có tính ứng dụng thực tiễn cao trên nền tảng đó.

Stabilizing Price or Monetary Policy – Sự Ổn Định Giá hay Chính Sách Tiền Tệ

Yếu tố tiếp theo phải được tích hợp vào một mô hình tokenomics bền vững là một cơ chế ổn định giá. Như chúng ta đã biết, hầu hết các dự án ICO có xu hướng thưởng thêm (bonus) cho các nhà đầu tư sớm của họ một lượng token cụ thể dựa trên tỉ lệ vốn đầu tư. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, số lượng token thưởng thêm này vượt khỏi tầm kiểm soát. Hoặc một số dự án ICO nhất định đều có những nhà đầu tư cá voi (whale) đã tích trữ đầu cơ một phần lớn lượng token của dự án. Điều này có thể làm xảy ra trường hợp có một số nhà đầu tư sở hữu quá nhiều lượng token của dự án và có quá nhiều ảnh hưởng đến sự ổn định giá cả token trong toàn bộ hệ sinh thái. Để tránh các kịch bản như thế này, một chính sách tiền tệ mạnh mẽ từ đội ngũ sáng lập dự án là cần thiết. Dựa theo cách thức mà các ngân hàng trung ương sử dụng, có ba phương pháp để đạt được sự ổn định tiền tệ là:

• Thay đổi lượng cung tiền bằng cách mua hoặc bán trái phiếu chính phủ và ngoại tệ.
• Thay đổi chính sách tín dụng đối với các ngân hàng khác.
• Thay đổi tỷ lệ dự trữ cho các ngân hàng.

Hiện nay phương án phổ biến nhất được các dự án sử dụng là thay đổi lượng cung tiền. Dường như đây là một lựa chọn khá thu hút các độ ngũ sáng lập dự án. Bản chất là các dự án sử dụng quy luật cung cầu (supply & demand) hay nói cách khác là sử dụng cơ chế giảm phát và lạm phát để điều chỉnh cung cầu cho tài sản token của dự án mà họ phát triển. Ví dụ như EOS có tốc độ lạm phát khoản 5% mỗi năm, trong đó một số lượng token mới được sử dụng để trả thưởng cho những người thực hiện công việc xác nhận các khối giao dịch mới và tăng lưu lượng token EOS trong hệ sinh thái, ngược lại thì Binance sử dụng phương pháp đốt token (token burning) định kỳ để loại bỏ vĩnh viễn một số lượng token BNB ra khỏi hệ sinh thái của mình.

*Chú ý: việc đốt một số lượng token nhất định không phải là sự đảm bảo chắc chắn rằng giá trị của số lượng token còn lại sẽ tăng lên. Chỉ vì có ít số lượng token lưu hành hơn trên thị trường không có nghĩa là người mua tiềm năng sẽ sẵn sàng trả một mức giá cao hơn để sở hữu token. Tấc cả tùy thuộc rất lớn vào yếu tố giá trị nội tại của token đó.

Đánh giá bài viết này.

Latest stories

- Advertisement - spot_img

You might also like...